08/09/2024

Xanh hóa khu công nghiệp

Chuyển đổi xanh không còn là câu chuyện lý thuyết, nó là “những việc cần làm ngay” của mỗi doanh nghiệp. Xanh hóa là khoảng cách ngắn nhất để doanh nghiệp đến với người tiêu dùng.

Đó là khẳng định của ông Trần Thiên Long – Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam.

Ông Trần Thiên Long

– Hiện nay việc chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp (KCN) vẫn còn là xu thế mới tại thị trường Việt Nam. Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp của chúng ta chưa đáp ứng được xu thế này?

Hiện nay như chúng ta đã biết các KCN ở Việt Nam đối với các khu lâu nhất cơ bản cũng đã hơn 30 năm, những khu còn lại cũng đã trên 20 năm. Đối với xu thế bền vững và phát triển toàn cầu, chúng ta phải thuận dòng phát triển bền vững.

Các KCN hiện hữu ở Việt Nam đang được khuyến khích chuyển đổi xanh, thế nên chúng ta phải có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi từng bước để thực hiện câu chuyện chuyển đổi xanh, thực hiện câu chuyện năng lượng tái tạo, tránh tác động gây ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường một cách bài bản. Đây là các vấn đề cơ bản mà các KCN cần hành động, thực hiện một cách hiệu quả. Khi mà chúng ta thực hiện câu chuyện chuyển đổi xanh như vậy, chắc chắn rằng sẽ có thêm những nhà đầu tư quan tâm, có thêm những nhà máy trong các KCN cũng thực hiện chuyển đổi xanh. Từ đó, vấn đề xuất khẩu hàng hóa đi thị trường cũng trở thành vấn đề mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Sự cam kết, trách nhiệm và hành động cụ thể của các KCN, các nhà máy, tôi cho rằng đây là một vấn đề cần phải thực hiện và thực hiện một cách có hiệu quả để chuyển đổi một cách thực tiễn, từ chuyển đổi ESG hay chuyển đổi xanh một cách bền vững.

Chuyển đổi xanh KCN sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư. Ảnh: KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng.

Trong Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế của Chính phủ có nêu về việc xây dựng KCN sinh thái để các doanh nghiệp căn cứ vận dụng, thực hiện chuyển đổi KCN hiện hữu sang KCN sinh thái, KCN xanh.

Đây là vấn đề tất yếu và doanh nghiệp cũng rất phù hợp để thực hiện trong tương lai. Chúng ta sẽ cam kết ngoài những yếu tố đó cần phải thực hành về ESG, về trách nhiệm xã hội, về môi trường để KCN trở thành nơi thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư hơn nữa.

– Vậy thực trạng chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp hay KCN ở Việt Nam đang ra sao, thưa ông?

Tùy theo loại ngành nghề, hàng hóa, sản phẩm mà các doanh nghiệp có sự quan tâm ở từng mức độ khác nhau. Có những doanh nghiệp liên quan đến thép, xi măng, dệt may… sẽ cực kỳ quan tâm và cần hành động liền. Vì nếu không hành động chắc chắn đơn hàng sẽ không có, chúng ta không thể thực hiện xuất khẩu được. Tuy nhiên, tôi cho rằng dù là loại hình hay sản phẩm nào đi chăng nữa, doanh nghiệp cần nhanh chóng hành động cho câu chuyện chuyển đổi xanh.

Hiện, người tiêu dùng trong nước cũng đã rất quan tâm về thực hiện chuyển đổi xanh và sản phẩm xanh và nếu doanh nghiệp không chuyển đổi xanh và sản xuất xanh, tôi đảm bảo trong thời gian tới người tiêu dùng cũng sẽ tẩy chay, không sử dụng các sản phẩm sản xuất theo quy trình xanh.

Cho nên đây là thị trường, là bài toán của sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp nhỏ hay lớn, doanh nghiệp sản xuất về mặt hàng gì chăng nữa, đứng dưới góc độ của của Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất quan tâm mạnh mẽ hơn, hành động tích cực hơn để thực hiện chuyển đổi xanh một cách bền vững.

– Xin ông cho biết thêm, để nhanh chóng thuận dòng chuyển đổi xanh, đưa doanh nghiệp, KCN ở Việt Nam phát triển bền vững, cần phải có những hành động nào?

Hiện, chúng ta đang tiếp tục kiến nghị về các chính sách thực hiện đối với các bộ ngành, Chính phủ tiếp tục quan tâm, đưa ra các chính sách tốt hơn để cho doanh nghiệp, KCN có động lực, hành động thực hiện hiệu quả trong tương lai. Một doanh nghiệp, một KCN rất khó chuyển đổi xanh nếu như không có sự chung tay của Nhà nước, địa phương thông qua những hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả.
Thực hiện chuyển đổi xanh là hành động, là tư duy, là cam kết, đặc biệt là cần sự hỗ trợ vì chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn về tư duy, về kinh tế. Doanh nghiệp muốn thực hiện chuyển đổi xanh nhưng chúng ta thiếu tài chính, thiếu vốn. Vì thế, các cơ quan nhà nước, các bộ ngành cần chung tay cùng với doanh nghiệp, KCN hỗ trợ về vốn, chính sách, bài toán chuyển đổi một cách rõ ràng. Từ đó, tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp, KCN chuyển đổi xanh một cách thiết thực, mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Liên Chi hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông và các đơn vị hữu quan tổ chức các diễn đàn góp ý, đề xuất, kiến nghị thúc đầy sớm ra đời Luật Khu công nghiệp và Khu Kinh tế để có hành lang pháp lý vững chắc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển Khu công nghiệp bền vững hơn trong tương lai. Đó là mong muốn của Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam trong suốt thời gian qua.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp. 

Bài viết liên quan