14/10/2024

“Xanh hóa” ngành ô tô: Cần có sự phối hợp toàn diện

Nhiều ý kiến cho rằng, mở cửa đón nhận những dòng xe xanh thân thiện môi trường thì chính sách cần mạnh hơn, hỗ trợ sâu hơn nữa để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển.

Thực tế cho thấy, giao thông là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, đóng góp đáng kể vào biến đổi khí hậu. Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, các quốc gia đã và đang triển khai phát triển giao thông xanh với nhiều hình thức khác nhau, với các loại xe năng lượng mới như xe điện, xe hybrid, cùng hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường, hệ thống hạ tầng hỗ trợ…

Tại Việt Nam, giao thông xanh đã dần hình thành, với hàng loạt sản phẩm đến từ cả doanh nghiệp trong nước lẫn nhập khẩu – Ảnh minh họa: ITN

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trong năm 2023, phần lớn doanh số bán ô tô điện là ở Trung Quốc (chiếm khoảng 60%), tiếp đến là châu Âu (25%) và Hoa Kỳ (10%). Các khu vực này chiếm khoảng 65% tổng doanh số ô tô trên toàn cầu. Cũng trong năm này, thị phần xe điện toàn cầu tăng lên mức khoảng 18%. Dự kiến kết thúc năm 2024, thị phần ô tô điện có thể chiếm đến 45% tại Trung Quốc, 25% ở châu Âu và 11% tại Mỹ.

Tại Việt Nam, giao thông xanh đã dần hình thành, với hàng loạt sản phẩm đến từ cả doanh nghiệp trong nước lẫn nhập khẩu. Năm 2023, VinFast cho biết đã bán được hơn 34.850 xe điện các loại, chủ yếu tại thị trường trong nước. Đáng nói, Việt Nam có dân số trên 100 triệu người, tỷ lệ dân số vàng chiếm phần lớn; tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ổn định ở mức cao; cơ sở hạ tầng đường cao tốc luôn được đầu tư và mở rộng một cách mạnh mẽ… Điều này là cơ hội lớn cho ngành xe điện nói riêng và xe năng lượng mới nói chung.

Tuy vậy, dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cho phát triển xanh, bền vững, song phát triển ô tô xanh vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Các chuyên gia cho rằng, để “xanh” hóa ngành này, cần có sự phối hợp toàn diện. Mở cửa đón nhận những dòng xe xanh thân thiện môi trường thì chính sách cần mạnh hơn, hỗ trợ sâu hơn nữa để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển. Để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xe xanh, Chính phủ nên ưu đãi thu hút đầu tư hạ tầng, trạm sạc, kinh doanh vận tải, xe công nghệ, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp… Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn cụ thể về đầu tư lắp đặt, vận hành trạm sạc công cộng, an toàn phòng cháy chữa cháy, kết nối lưới điện đủ công suất….

1447-o-to (1)
Mở cửa đón nhận những dòng xe xanh thân thiện môi trường thì chính sách cần mạnh hơn, hỗ trợ sâu hơn nữa để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển – Ảnh minh họa: ITN

Theo ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), để hướng tới những mục tiêu quan trọng cam kết tại COP21 và COP26, Chính phủ cần ban hành những chính sách, kế hoạch hành động cụ thể, theo lộ trình phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, điều kiện phát triển của ngành công nghiệp ô tô, hỗ trợ chiến lược phát triển của các nhà sản xuất và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách đẩy mạnh dung lượng thị trường. Để phát triển xe điện hóa, cần có lộ trình phát triển xe điện hóa phù hợp và cần chính sách ưu đãi cho từng dòng xe điện hóa nhằm hỗ trợ, khuyến khích người tiêu dùng và hướng tới giảm mức phát thải. Đồng thời ,cũng cần có lộ trình và giải pháp, chính sách (thuế phí, ưu đãi đầu tư) phát triển trạm sạc.

Một khuyến nghị khác được đại diện VAMA nhấn mạnh đó là đề xuất sửa đổi liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt trong bối cảnh Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 này.

“Chúng tôi đề nghị cân nhắc sửa đổi ưu đãi với dòng xe thân thiện môi trường bao gồm HEV (Xe Hybrid tự sạc) và PHEV (Xe Hybrid có hệ thống sạc điện riêng). Đồng thời giữ mức thuế hiện tại đối với xe pickup chở hàng cabin kép nhằm duy trì và tạo nguồn lực trong quá trình chuyển đổi”, đại diện VAMA cho biết.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế nhận định, để phát triển được ô tô điện, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. Việt Nam cần phải có khối lượng tín dụng lên đến hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỉ USD với lãi vay thấp và kỳ hạn vay dài cho một lần đầu tư. Đây là thách thức lớn của các doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam cổ phần hóa sớm, phân hóa mạnh mẽ. Hiện các ngân hàng nhỏ cạnh tranh nhau khốc liệt, dựa trên nền tảng cho vay bất động sản hoặc thế chấp bằng tài sản là bất động sản. Điều này đã khiến mặt bằng lãi suất bị đẩy lên cao, khiến ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, trong đó có công nghệ phát triển ô tô điện khó có cơ hội tiếp cận để phát triển.

Theo chuyên gia này, một số quốc gia trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp ô tô thường duy trì hệ thống ngân hàng lớn đủ tiềm lực tài chính để tài trợ cho phát triển công nghiệp nặng, hoặc Chính phủ sẽ đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay bên ngoài để phát triển.

Ngoài ra, cần có thêm các chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng sạc xe điện. Đơn cử như ưu tiên về đất đai để xây dựng các trạm sạc, bao gồm trên đường cao tốc, khu chung cư và các địa điểm công cộng. Một số quốc gia còn tài trợ trực tiếp cho việc xây dựng các trạm sạc, đặc biệt là trạm sạc nhanh trên đường cao tốc.

Đặc biệt, theo TS Lê Xuân Nghĩa, ngoài việc quan tâm đến doanh nghiệp, cũng cần có những chính sách khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe điện như trợ cấp trực tiếp cho người mua xe điện, chính sách tín dụng ưu đãi, với mức vay cao hơn và lãi suất thấp hơn so với mua xe xăng… Hay cơ chế kết nối chia sẻ xe điện, xây dựng mạng blockchain để kết nối người dùng xe điện, cho phép họ đi chung xe và chia sẻ chi phí. Giải pháp này có thể giúp giảm thiểu chi phí sử dụng và khuyến khích người dân sử dụng xe điện nhiều hơn.

Theo tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam

Bài viết liên quan