22/10/2023

Xuất khẩu nông sản kì vọng “bùng nổ” cuối năm

9 tháng năm 2023, không chỉ rau quả mà nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt điều cũng ghi nhận kỉ lục xuất khẩu mới. Theo dự báo nếu tận dụng tốt các hiệp định thương mại, xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt trên 4 tỷ USD, rau quả hơn 5 tỷ USD…
Hiện rau quả là nhóm hàng ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của toàn ngành nông nghiệp. Ảnh: NT

Xuất khẩu gạo dự kiến lập kỷ lục 4 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết thúc tháng 9, xuất khẩu gạo đã đạt giá trị 3,66 tỉ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022 và có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lập kỷ lục trong 11 năm trở lại đây và đạt mức cao nhất thế giới. Bình quân trong 8 tháng ước đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kỷ lục mà ngành gạo Việt Nam đạt được nhờ cơn sốt lương thực toàn cầu đang diễn ra.

Để đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiếp tục đàm phán để đưa nhiều sản phẩm xuất chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU… Ngoài ra, Bộ cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm thủy sản chủ lực vào nhiều thị trường. Trong bối cảnh dân số toàn cầu tăng nhanh và nhu cầu thực phẩm đòi hỏi tăng về số lượng và chất lượng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào chế biến, sản xuất để tăng năng suất.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,3% tổng lượng gạo xuất khẩu; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 13,5%; Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%. Ngoài ra khu vực thị trường EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ,..), châu Phi (Ghana, Angola, …) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, 9 tháng, cả nước đã thu hoạch 33,6 triệu tấn lúa, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy 625,7 nghìn ha lúa Thu Đông, tăng 8,8%. Hiện nay, một số diện tích lúa Thu Đông đã cho thu hoạch trong bối cảnh “được mùa được giá”, nông dân thu lợi nhuận tốt. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2023 diện tích trồng lúa ước đạt trên 3,8 triệu ha, tăng hơn 13 nghìn ha; năng suất ước đạt 62,81 tạ/ha, tăng 0,88 tạ/ha và sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416 nghìn tấn so với năm 2022.

Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, vụ lúa Đông Xuân năm 2023-2024, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha. Để tránh hạn mặn ở một số vùng ven biển, có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ và do giá lúa đang ở mức cao, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân bắt đầu xuống giống từ ngày 10/10/2023. Như vậy, với kế hoạch gieo sạ vụ lúa Đông Xuân sớm trong tháng 10 thì đến tháng 1/2024, Việt Nam sẽ tiếp tục có gạo vụ mới bán. Đây là điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp trong vấn đề tìm đối tác, thị trường để xuất khẩu gạo.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng nhận định, hiện mới bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa Thu Đông nên thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục thuận lợi trong 3 tháng cuối năm và sản lượng xuất khẩu sẽ vượt 7,5 triệu tấn. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm thị trường gạo sẽ còn tăng khi Indonesia vừa thông báo mở thầu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm từ các nước: Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Campuchia. Philippines cũng vừa đưa các đoàn sang đàm phán để mua gạo của Việt Nam khi nhu cầu nước này vẫn ở mức cao. Như vậy, theo dự báo nếu tiếp tục đà tăng trưởng như hiện tại, kết thúc năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ phá sâu kỷ lục cũ cả về lượng, kim ngạch và giá xuất khẩu bình quân. Theo đó, năm nay kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam chắc chắn sẽ cán mốc 4 tỷ USD, mốc cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Rau quả, cà phê liên tục tạo kỉ lục mới

Một số mặt hàng nông sản khác như rau quả và cà phê cũng đang phá vỡ kỉ lục xuất khẩu khi xuất khẩu cà phê, hạt điều, sản phẩm chăn nuôi lần lượt tăng trưởng 2-26% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tính đến ngày 15/9, xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn (giảm hơn 5%), song kim ngạch lại đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 5%. Đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận ở mức kỷ lục trong 30 năm khi trung bình 8 tháng đạt 2.463 USD/tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Cà phê-Cacao Việt Nam, giá cà phê tăng liên tục bởi cung không đủ cầu. Dự báo sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10-15%/năm do thời tiết không thuận lợi. Tuy vậy, xuất khẩu cà phê cả năm sẽ đạt khoảng 1,7 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Một mặt hàng xuất khẩu tỷ USD khác của ngành nông nghiệp cũng đang ngược dòng tỏa sáng là hạt điều. Tính đến ngày 15/9, xuất khẩu điều đạt gần 421 nghìn tấn, tăng khoảng 15%, kim ngạch đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 9%.

Bên cạnh sự “bùng nổ” của mặt hàng cà phê và hạt điều, hiện rau quả là nhóm hàng ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của toàn ngành nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu ngành hàng này đến nay đã vượt kỷ lục lịch sử kim ngạch 3,81 tỷ USD của năm 2018. Nhiều dự báo cho rằng, xuất khẩu rau quả cả năm 2023 có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD khi vẫn còn 3 tháng cuối năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng rau quả của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Trong top 5 thị trường này, riêng chỉ có thị trường Mỹ giảm nhẹ, các thị trường còn lại khác đều có sự tăng trưởng mạnh. Điển hình thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả đã đạt trên 2,26 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 18%, Nhật Bản tăng 6%. Trung Quốc cũng là thị trường đứng đầu về thị phần xuất khẩu với gần 64%, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan…

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các mặt hàng rau quả đã mở cửa thị trường của Việt Nam hiện nay là: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, bưởi, chanh, vú sữa, chuối. Các mặt hàng đang đàm phán mở cửa thị trường là chanh leo sang Mỹ, Australia; bưởi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ; sầu riêng sang Ấn Độ; các loại quả có múi, dừa, sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.

Các mặt hàng khác có tiềm năng mở cửa thị trường trong tương lai là bơ, chanh không hạt. Đáng chú ý, vào đầu tháng 8/2023, Cục Kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS) đã chính thức thông tin về việc các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ. Như vậy, cùng với việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ dừa sang Trung Quốc, thời gian tới trái dừa Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhanh chóng trở thành mặt hàng tỷ USD, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành rau quả.

Với đà xuất khẩu khẩu rau quả như hiện nay, mục tiêu 5 tỷ USD kim ngạch cả năm 2023 là không quá xa vời. Tuy nhiên, trong quá trình tăng trưởng nóng của nhiều mặt hàng hiện nay, nhất là các mặt hàng trái cây, yêu cầu giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định uy tín và giá trị của cả ngành hàng.

Theo Haiquanonline.vn

Bài viết liên quan